Dọc đường Áo Ấm

Đi từ thị xã Cao Bằng (mới được nâng cấp lên thành phố, theo trào lưu chung, nhưng có đến cả trăm năm nữa, vẫn rặt mùi làng núi) lên huyện Bảo Lạc, đến thị trấn Nguyên Bình, nhìn sang bên phải là thấy tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) trên đỉnh đồi.

Nhìn thì cứ tưởng là dễ tìm, dễ đi và dễ lên đó thắp hương lắm lắm, nhưng mình đã nhầm.

Hình ảnhDừng lại ven đường QL34 hỏi đường vào NTLS, chủ quán nước tròn xoe mắt nhìn chiếc xe cứu thương mang biển đỏ của BCH Biên phòng tỉnh Cao Bằng, chả thấy người ốm đâu mà rặt những quần áo, sách vở, đồ ăn… chèn kín mít và vung tay chỉ loạn xạ, khiến mình và Hạ sĩ Huấn lái xe chịu không hiểu, chỉ biết là phải quay xe lại, rồi hỏi tiếp.

Sự chỉ đường thứ 2, cũng loạn xạ không kém và rút cục, chỉ biết là cứ đi theo đường phía trong, qua chân đồi thì rẽ ngược lên, sẽ đến.

Lạ cho các con đường dẫn vào các NTLS nằm dọc các tỉnh biên giới phía Bắc, đâu đâu cũng có mẫu số chung là cỏ dả, cây rừng chùm kín, như thể đi vào rừng vắng không người, hoang vắng đến rợn người.

Con đường đất chạy vào chân đồi, rồi ngược triền đồi lên NTLS huyện Nguyên Bình cũng vậy, nền đường mấp mô, lút đầu gối cỏ và cây dại um tùm chìa cành ra giữa đường, quật vào thành xe roàn roạt, nghe buốt hết cả ruột.

Rút kinh nghiệm của các chuyến đi trước, toàn phải… trèo tường vào NTLS thắp hương. Đợt này, việc thắp hương các NTLS dọc đường đã được đưa vào Kế hoạch công tác của Đoàn Công tác Áo ấm biên cương (AABC) và PV Hà Quỳnh Trang, Báo Cao Bằng trực tiếp phụ trách viện liên hệ thông báo ngày giờ Đoàn dự định qua thắp hương, viếng… nên xe bò tới nơi, đã thấy cổng NTLS mở sẵn.

Vòng hoa tươi đã đặt sẵn, mang đi từ thị xã Cao Bằng, cùng với hương thơm trên tay từng người, thành hàng đôi, đứng trước tượng đài và tỏa đi cắm lên từng ngôi mộ – Đúng truyền thống của những người mang áo ấm, lên với biên cương, bấy nay…

NTLS nhỏ, cũ, hoang vắng với những chi tiết mà người để ý tý chút, cũng biết ngay là lâu không được chăm sóc, như bao NTLS biên giới phía Bắc khác, nhưng ken dày những ngôi mộ của các Liệt sĩ hy sinh ngay trên mảnh đất gần gụi.

Và cũng như bao NTLS biên giới phía Bắc, chủ yếu là bia mộ ghi tên tuổi – đơn vị – quê quán – ngày tháng năm sinh/mất… của những người lính, ngã xuống trong cuộc chiến đấu đánh trả, chặn bước tiến công của quân bành trướng Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 2/1979, cho đến cả chục năm sau này…

Tất cả còn rất trẻ, nhiều người mới 18-20, ngã xuống ngay trong những ngày đầu tiên khi quân Trung Quốc bất ngờ tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, trong đó Cao Bằng là điểm giao tranh ác liệt 17/2/1979; nhiều người ngã xuống trong những ngày giằng co, tiêu hao sinh lực địch, đợi quân chủ lực lên tiếp viện, cuối tháng 2/1979… và gần đây nhất là chiến sĩ Nông Đức Mười, Đồn Biên phòng Lý Quốc (Cao Bằng), sinh 1971, hy sinh 18/6/1993, khi mới tròn 22 tuổi.

Khói hương ngan ngát giữa rừng biên giới, tưởng như linh hồn những người lính, bất tử cùng tuổi trẻ, từ từ đứng dậy, thích bên vai đòi chung nhau hơi thuốc lá…

Bao năm rồi, các anh nằm lặng lẽ nơi cuối rừng, giống như cái chết – sự hy sinh đến bây giờ, vẫn nằm sâu trong những trang tài liệu, cũng lặng lẽ và có lẽ rất hiếm khi, có những Đoàn từ miền xuôi, Hà Nội lên miền rừng, nhớ đến tìm thắp hương hoa, khiến người sống cũng ngạc nhiên.

Nhưng mình chắc, cái được gọi là “quy định” của AABC là thắp hương, đặt hoa tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống khi bảo vệ – giữ gìn chủ quyền, khi đến các địa bàn – Đồn Biên phòng (tuy cứng nhắc như nhiều quy định khác, nhằm gìn giữ cho Chương trình phát triển bền vững, mà chỉ những người nghĩ sâu xa mới hiểu), sẽ được mọi người, thực sự đau đáu với biên cương hưởng ứng…

Chuyến đi tới này, lên vùng biên giới Xín Mần (Hà Giang), dọc đường Áo ấm cũng sẽ dừng lại thắp hương – đặt hoa tưởng nhớ những người lính, đã ngã xuống trong những ngày tháng “máu xương trộn lẫn đất đồi”, 1984-1985, cho cả dải biên cương từ Lai Châu đến Quảng Ninh, được toàn vẹn – yên bình như ngày hôm nay…

Và những nén hương cháy đỏ trên mộ LS như ngôi sao đỏ trên bầu trời giữ nước, cũng thầm thì – lặng lẽ như tấm áo, đôi ủng, tấm khăn, bát gạo – gói mỳ… chúng mình mang lên các điểm trường cheo leo giữ cột mốc chủ quyền Quốc gia, được cùng nhau gọi là: Dọc đường Áo ấm!. Chỉ vậy, mà thôi!..