Ở nơi địa đầu Tổ Quốc

“Trên bản đồ Việt Nam, Lũng Cú là đỉnh “chóp nón” nơi cực Bắc Tổ quốc. Cùng với mũi Cà Mau, Lũng Cú là địa danh mà trong tim mỗi người Việt Nam đều nhớ, đều yêu và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn. Thế nên, dẫu vượt qua những trập trùng núi đá, lên Lũng Cú, đặt chân tại đỉnh núi Rồng, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phần phật trong gió, ai cũng tự hào được làm người con đất Việt” (MTH).

Từ ngày 31/5 đến 1/6/2013, Đoàn công tác chương trình Áo Ấm Biên Cương có chuyến đi đến Lũng Cú, một xã địa đầu Tổ Quốc thuộc huyện Đồng Văn, Tỉnh Hà Giang.

Tại đây, đoàn công tác sẽ làm việc với BCH BĐBP Hà Giang (thay mặt BĐBP các tỉnh biên giới phía Bắc đã và sẽ được triển khai thực hiện Chương trình AABC), nhằm rút kinh nghiệm – hoàn thiện cơ chế phối hợp cho hoạt động năm học mới 2013-2014.

Đồng thời Ban Điều Hành chương trình AABC sẽ kết hợp tổ chức chuyến trao quà trong phạm vi hẹp, cho toàn bộ học sinh Mầm non – Tiểu học thôn Xéo Lủng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) . Đây là thôn bản địa đầu Tổ quốc, những năm qua luôn đối mặt – chống chọi với nhiều âm mưu, thủ đoạn xâm lấn, trồng lấn của phía Trung Quốc và được coi là địa bàn đặc biệt quan trọng, phức tạp của lực lượng Biên phòng.

Bên cạnh đó, BĐH cũng phối hợp cùng BCH BĐBP tỉnh Hà Giang, Đồn Biên phòng Lũng Cú, thí điểm triển khai xây dựng điểm thu hút văn hóa vùng biên tại các Tổ Công tác Biên phòng (trực tiếp là Trạm KS Biên phòng Lũng Cú), thành nhân tố thu hút học sinh miền núi trong thời điểm nghỉ hè, không để các cháu đối mặt với những rủi ro khi tự mình vui chơi, hoặc theo cha mẹ sang làm thuê bên kia biên giới.

Trên đường đi, đoàn cũng đã vào viếng thăm Nghĩa trang Liệt Sĩ Vị Xuyên, Hà Giang, nằm ngay bên đường Quốc lộ đi vào Thành phố Hà Giang, cách Thành phố Hà Giang 18 km về phía Nam. Đây là nơi yên nghỉ của gần 1700 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc (phần lớn trong số đó là liệt sĩ hi sinh ở các điểm cao thuộc xã biên giới Thanh Thủy) để bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc Việt Nam mà Hà Giang là một mặt trận ác liệt và kéo dài nhất.

Thông tin thêm về Lũng Cú:
Lũng Cú là một xã thuộc huyện Đồng Văn, nằm trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, cách thị xã Hà Giang khoảng 200 km. Là điểm cực bắc của Việt Nam, Lũng Cú nằm ở khu vực có độ cao từ 1600m đến 1800m trên mực nước biển. Lũng Cú có 9 thôn bản là nơi sinh sống của người Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo.
Từ thị xã Hà Giang, theo quốc lộ 4C ngược lên phía đông bắc khoảng 160 km tới xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Từ đây, tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú-Đồng Văn khoảng 40 km là đến Lũng Cú.

Xã Lũng Cú có tổng diện tích tự nhiên là 3.460 ha với chín thôn, bản, là Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng, Thèn Ván, Thèn Pả, Sì Mần Khan, Sán Chồ, Sán Sà Phìn và có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc hơn 16 km. Tại đây, khi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và thi thoảng có tuyết rơi. Trong số chín thôn, bản của Lũng Cú thì Séo Lủng thuộc phần đất thượng cùng cực bắc với bên trái là thung lũng Thèn Ván sâu thăm thẳm, bên phải là dòng sông Nho Quế – dòng sông bắt nguồn từ Mù Cảng, Vân Nam, Trung Quốc đổ về Ðồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang).

Các dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu là làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang. Riêng dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải.

Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống đồng lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.